title

THÔNG TIN LÝ TRÌNH TUYẾN ĐƯỜNG VÀ TIỂU SỬ DANH NHÂN TRẦN ĐỨC THẢO
Thứ hai, 01/03/2021, 16:00 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

           Trần Đức Thảo (1917 - 1993) Triết gia, Giáo sư, sinh năm 1917 tại Hà Nội. Thuở nhỏ học tại Trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Tại trường này, ông là một học sinh thông minh tuyệt vời được hầu hết các giáo sư người Pháp khâm phục.

           Năm 1935, ông đậu Tú Tài triết học, năm 1936 sang Pháp thi vào trường Đại học sư phạm Normale (Ecole Normale Superieure) Paris đỗ đầu. Năm 1938 - 1939 ông tốt nghiệp, đỗ thạc sĩ Triết học, rồi được bổ chức giáo sư tại Đại học Sorbonne - Paris.

           Thời gian giảng dạy tại Sorbonne ông nghiên cứu thêm về triết học, xã hội học, cộng tác với các tạp chí, triết học ở Châu Âu. Lúc đầu, ông ngiêng về chủ nghĩa hiện sinh (Existentialisme) của Jean Paul Sartre( 1905 -1980), một triết gia, nhà văn hàng đầu của Pháp); nhưng từ năm 1946, ông thiên về chủ nghĩa Mác, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và Hội Việt Kiều ở Paris. Thời gian này, ông có nhiều cuộc tranh luận triết học với Jean Paul Sartre và chĩa vũ khí triết học vào các thế lực phản động gây chiến ở Châu Âu. Tại Châu Âu, giới Triết học xem ông là tác giả về phương pháp Hiện tượng luận của Husserl và Chủ nghĩa duy vật biện chứng hàng đầu thế giới vì quan điểm triết học và các trước tác của ông.

           Năm 1952, ông đáp tàu lửa về nước qua ngã Paris – Luân Đôn – Praha – Mosscow – Bắc Kinh – Việt Bắc để cùng đồng bào kháng chiến chống Pháp.

Năm 1953, ông làm việc ở Ban sử - địa – văn (sau này gọi là Ủy ban khoa học xã hội) với các ông Tôn Quang Phiệt, Trần Huy Liệu, Vũ Ngọc Phan, Minh Tranh. Ông phụ trách các vấn đề triết học liên quan đến lịch sử, văn hóa, văn học.

           Từ năm 1954, ông về Hà Nội làm Phó giám đốc Trường Đại học Sư phạm, Chủ nhiệm khoa sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khoảng năm 1956 - 1957, ông có liên hệ đến vụ “Nhân văn - giai phẩm” bị chuyển về làm chuyên viên nhà Xuất bản sự thật. Do đó, một thời gian dài, ông không nghiên cứu về các vấn đề triết học, tư tưởng.

           Sau ngày thống nhất, ông vào sống một thời gian ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Thời điểm này ông cho in một phần bộ sách vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người (1989) trong một thời điểm lịch sử thế giới có nhiều biến động về triết học và thực tiễn xã hội.

           Ngày 09/12/2020, tại Kỳ họp thứ hai mươi ba – khóa IX của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 86/NQ-HĐND về việc bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tuyến đường mang tên danh nhân Trần Đức Thảo có lý trình từ điểm đầu: Đường Đỗ Xuân Hợp và điểm cuối: Cuối tuyến, với chiều dài: 356m, lộ giới 16m.

          Tiểu sử do Hội đồng đặt mới, sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp

Số lượng lượt xem: 431